An Giang cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Với quan điểm là xác định nông nghiệp là nền tảng, là “lõi kinh tế” của tỉnh. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, cảnh quan và có trách nhiệm trong mối liên kết chặt chẽ với các cụm ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ phụ trợ, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững.
Mục tiêu chung là cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng giảm diện tích đất lúa hợp lý, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” thông qua việc phát huy nội lực của cộng đồng người dân, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm.
Mục tiêu cụ thể là duy trì tăng trưởng bình quân nông nghiệp ổn định trong giai đoạn 2021-2025 đạt 2,8%/năm (giá SS 2010) thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Trong đó, nông nghiệp tăng bình quân 2,2%/năm (Trồng trọt: 1,9%; Chăn nuôi: 3%-4%); Thủy sản tăng bình quân 5,9%/năm; Lâm nghiệp tăng bình quân 0,2%/năm.
Khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản đến 2025 chiếm 26% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh. Tăng thu nhập bình quân đầu người của nông dân đến năm 2025 bằng 1,5 lần so năm 2020 (Năm 2020 thu nhập người dân nông thôn là 43 triệu đồng/người, đến năm 2025 là 64,5 triệu đồng/năm). Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 242 triệu đồng/ha.
Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn trái là 34.081,59 ha
Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phấn đấu đến năm 2025, vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đạt 10.217 ha; vùng chuyên canh canh rau màu, rau màu công nghệ cao đạt 6.062 ha; vùng xuất lúa tập trung chất lượng cao đạt khoảng 10.000 ha/năm; diện tích chuyên canh nuôi cá tra đạt khoảng 1.500 ha.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết với DN từ 30% trở lên.
Đến năm 2025, nông nghiệp cơ bản phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật (GAP, hữu cơ,…) và tiêu chuẩn thị trường quốc tế đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh An Giang. Cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính trách nhiệm minh bạch và chất lượng sản phẩm. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 50%. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%.
Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Tiếp tục duy trì tăng trưởng nông nghiệp ổn định, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. An Giang tiếp tục là một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3%/năm, (trong đó, lĩnh vực trồng trọt tăng bình quân 3%/năm; lĩnh vực chăn nuôi tăng bình quân 2-3%/năm; thủy sản tăng bình quân 3,5-4,5%/năm). Giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân là 280 triệu đồng/ha…
Theo đó, An Giang cơ cấu lại các cụm ngành hàng giai đoạn 2021-2025: Trong đó, đối với cụm ngành lúa gạo, lúa nếp: Duy trì diện tích gieo trồng lúa đến năm 2025 trong khoảng 550-600 nghìn ha, diện tích canh tác xấp xỉ 200 nghìn ha và cơ cấu diện tích sản xuất lúa hợp lý theo từng địa phương gắn chặt với nhu cầu thị trường và sức tiêu thụ của doanh nghiệp; quy hoạch vùng trồng lúa – nếp tập trung với quy mô lớn trong đó chú trọng các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của Tỉnh (Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân). Giảm dần diện tích gieo trồng lúa tại các khu vực có mùa vụ canh tác không hiệu quả để chuyển đổi linh hoạt sang các mô hình sản xuất khác có giá trị kinh tế cao hơn như nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây ăn trái hoặc lúa luân canh với cây trồng vật nuôi khác (lúa-tôm, lúa-cá, lúa-rau màu).
Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn trái là 34.081,59 ha, trong đó: nhóm rau dưa các loại là 7.108,3 ha; nhóm cây màu là 12.764 ha; nhóm cây ăn trái là 14.209,29 ha.
Phát triển khoảng 100 nghìn ha chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết với DN tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú,… Phục hồi và phát triển các vùng sản xuất lúa đặc sản (lúa nếp Phú Tân 20.000 ha; lúa thơm, lúa Jasmine tại Châu Phú 11.000 ha; lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn, An Phú: 200-500 ha; lúa Nàng Nhen tại Tri Tôn và Tịnh Biên 600 ha). Ổn định vùng sản xuất lúa giống quy mô khoảng 20.000-25.000 ha trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tăng diện tích sản xuất áp dụng các kỹ thuật canh tác cải tiến (1P5G, 3G3T) lên 95-98% tổng diện tích lúa; tăng nhanh tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,…theo nhu cầu thực tế của các thị trường. Tăng diện tích sản xuất lúa-nếp có liên kết với DN thông qua các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đến năm 2025 đạt 200-250 nghìn ha.
Hỗ trợ các chủ thể trên địa bàn tỉnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa lúa gạo đặc trưng của tỉnh theo Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam”; đến năm 2025 cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70-80% diện tích lúa chất lượng cao xuất khẩu.
Hình thành Dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang”. Quy mô 200 ha, tổng vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng, dự kiến tại xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành). Dự án tiến tới thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt (về công nghệ, đào tạo, chuyển giao giải pháp…), thúc đẩy (kiến tạo các chuỗi liên kết, thu hút các nguồn lực) và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng (nâng cao giá trị gia tăng, tiêu thụ, xuất khẩu…).
Tiếp tục đẩy mạnh và phát triển xã hội hóa giống lúa, nếp nhằm phục tráng, lai, chọn tạo các giống đặc sản địa phương, các bộ giống theo hướng năng suất cao, phẩm chất tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi hạn, lũ, mặn và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, lúa nếp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang, Công ty TNHH Angimex Kitoku, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Một thành viên Trịnh Văn Phú… từ đó tạo điều kiện xúc tiến thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng ĐBSCL.
Tăng cường đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi lúa gạo, tiến đến giảm CO2 trong sản xuất kết hợp bán tín chỉ carbon để nâng cao thu nhập từ trồng lúa…Ngoài cơ cấu lại cụm ngành lúa gạo, lúa nếp, An Giang còn cơ cấu lại chăn nuôi, rau màu, nấm, cây dược liệu, cây kiểng…/.
Nguồn: Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/2/2023
Hải Nhu